Khám phá lịch sử ngành công nghiệp ô tô nước Anh

Aston Martin và Bentley cũng đã trở lại với phân khúc xe sang. Cũng tương tự như Mini hay Roll-Royce, cả Aston Martin và Bentley đều không còn

Là cái nôi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất nên Anh có nền công nghiệp xe hơi phát triển từ rất sớm và đạt rất nhiều thành tựu với các tên tuổi nổi tiếng như Roll-Royce, Bentley hay Jaguar Land Rover. Tuy nhiên trong suốt quá trình phát triển, ngành công nghiệp ô tô Anh quốc đã trải qua không ít thăng trầm. Hãy cùng ngược dòng lịch sử để khám phá ngành công nghiệp sản xuất ô tô của “xứ sở sương mù” này.
Những tháng ngày đen tối

Nhiều công nhân Anh gặp khó khăn trong những ngày tháng đen tối của ngành công nghiệp nước nhà

Ngành công nghiệp sản xuất xe hơi góp một phần rất lớn vào nền kinh tế giúp Anh trở thành một cường quốc công nghiệp vào những năm 50. Vào thời điểm đó, Anh chính là quốc gia xuất khẩu xe hơi lớn nhất thế giới. Tuy vậy, sau đó không lâu, vào giữa thập niên 80, ngành công nghiệp ô tô của Anh quốc lại đi vào khủng hoảng với sự sụp đổ của “đế chế” xe hơi British Leyland.

Thành lập vào năm 1968, sau sự sáp nhập của hai công ty British Motor và Leyland Motor, British Leyland có khát vọng trở thành một thế lực “siêu cường” trong lĩnh vực xe hơi trên toàn thế giới. British Leyland sở hữu trong tay một đội ngũ hùng hậu những thương hiệu xe hơi tên tuổi vào thời điểm bấy giờ, bao gồm Austin, Morris, Jaguar, Rover (công ty khai sinh ra dòng xe Land Rover), Triump, Leyland, AC, Albion, Guy và Scammell với tổng số công ty con lên tới gần 100, chiếm lĩnh 40% thị trường xe hơi vương quốc Anh.

Tuy nhiên, với những sai lầm trong đường lối chiến lược cũng như công tác quản lý mà British Leyland dần sa sút, dẫn tới hậu quả bị quốc hữu hóa một phần vào năm 1975. Bất chấp những nỗ lực “thay tên đổi vận” thành BL vào năm 1978, kết quả kinh doanh của công ty vẫn không sáng sủa hơn. Kết cục bị giải thể vào năm 1986 đến như một điều tất yếu với “gã khổng lồ” một thời. Tình trạng rệu rã của BL cũng kéo theo những hệ lụy tồi tệ cho ngành công nghiệp ô tô nước Anh lúc bấy giờ: số lượng xe sản xuất trong năm 1982 giảm xuống mức kỷ lục 900.000 chiếc trong đó đã bao gồm 120.000 chiếc xuất khẩu sang Iran.

Dần dần hồi phục

Dấu hiệu hồi phục của ngành công nghiệp ô tô nước Anh xuất hiện từ khoảng cuối thập kỷ 80

Những dấu hiệu của sự hồi phục bắt đầu xuất hiện từ khoảng cuối thập niên 80 khi Nissan tiến hành xây dựng nhà máy đầu tiên tại Sunderland. Toyota cùng Honda cũng bắt đầu đặt chân lên đất Anh một vài năm sau đó. Tuy nhiên tới năm 2006, điều không hay lại xảy đến khi MG Rover, một trong số ít những nhà sản xuất còn thuộc quyền kiểm soát của người Anh bị tập đoàn Nanjing (sau này sát nhập với Shanghai Automotive) của Trung Quốc thâu tóm khiến 6.000 người mất việc.

Dẫu sao, mọi chuyện cũng đã là quá khứ. Thời điểm hiện tại, vương quốc Anh có hơn 30 nhà sản xuất xe hơi đang hoạt động với hơn 2.350 nhà sản xuất linh, phụ kiện và là quê hương của không dưới 8 đội đua công thức 1. Ngành sản xuất ô tô nước Anh tạo ra 770.000 việc làm mang lại doanh thu và lợi nhuận hàng năm tương ứng là 64 và 27 tỷ Bảng, dẫn đầu trong cơ cấu xuất khẩu của nền kinh tế Anh quốc.

Sự nỗ lực của nhiều quốc gia

Sự hồi sinh của ngành công nghiệp ô tô Anh quốc có công lớn của các nhà đầu tư nước ngoài

Đề cập đến việc ngành sản xuất xe hơi Anh quốc trở lại mạnh mẽ, không thể không kể đến công lao của các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Đức, Nhật, Ấn Độ, Mỹ hay Malaysia, vốn là những công ty chủ sở hữu của các thương hiệu xe Anh. Họ vẫn đặt niềm tin vào một nước đã từng là cường quốc về xe hơi trong quá khứ, sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn để vực dậy những hãng xe đang trên bờ vực phá sản của nước này. Các nhà sản xuất Nhật Bản đã mang đến công ăn việc làm cho nhiều công nhân nước Anh, tạo cho tinh thần “tôi có thể” của người Anh được phát huy. Sự tin tưởng của nhà đầu tư cùng sự nỗ lực của những công nhân đã đem đến thành quả là sự ra đời của những mẫu xe mới mạnh mẽ, thời trang nhưng hết sức tiết kiệm nhiên liệu, tiêu biểu như chiếc Nissan Leaf.

Những thương hiệu xe Anh được hồi sinh

Hàng loạt các thương hiệu ô tô Anh được hồi sinh

Trong khoảng một vài năm trở lại đây, những thương hiệu xe Anh đã dần tìm lại được ánh hào quang xưa của mình. Mini đã trở lại với ngôi vị dẫn đầu phân khúc xe sang cỡ nhỏ, điều tương tự cũng đến với Roll-Royce ở phân khúc siêu sang cỡ lớn. Mặc dù hiện giờ cả Mini hay Roll-Royce đều thuộc quyền sở hữu của BMW nhưng công việc thiết kế cũng như sản xuất đều được thực hiện bởi người Anh.

Aston Martin và Bentley cũng đã trở lại với phân khúc xe sang. Cũng tương tự như Mini hay Roll-Royce, cả Aston Martin và Bentley đều không còn thuộc quyền sở hữu của người Anh. Hai cổ đông lớn nhất của Aston Martin có trụ sở tại Dubai và Italia, còn Bentley hiện là công ty con dưới trướng của tập đoàn xe hơi lớn nhất châu Âu là Volkswagen.

Jaguar và Land Rover, hai nhãn hiệu xe thuộc công ty mẹ Jaguar Land Rover được tập đoàn Tata, Ấn Độ mua lại từ Ford vào năm 2008. Dưới sự nâng đỡ của Tata, JLR ngày nay trở thành công ty xe hơi Anh lớn nhất với số lượng nhân công lên đến 30.000 người. Land Rover vẫn được biết đến với những mẫu SUV sử dụng hệ dẫn động 4 bánh mạnh mẽ còn Jaguar đang có những bước phát triển thần tốc với việc tung ra hành loạt các mẫu xe mới XF, XJ hay F-Type.

Tương lai tươi sáng phía trước

Sự cạnh tranh trong nền kinh tế nói chung cũng như ngành sản xuất ô tô nói riêng ngày cành trở nên khốc liệt. Mặc dù người Anh không còn sở hữu những thương hiệu xe do chính họ gây dựng nên nhưng họ vẫn có quyền tự hào bởi những gì được gọi là “chất” riêng của những chiếc xe mang thương hiệu kể trên vẫn hoàn toàn được tạo nên bởi bàn tay họ. Với kinh nghiệm, khả năng đã tích lũy qua nhiều năm, người Anh hoàn toàn có thể tự tin cạnh tranh một cách sòng phẳng với những đối thủ đến từ những cường quốc về xe hơi khác như Italia, Mỹ hay Đức.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *